Để xác định bạn thuộc nhóm máu nào để có thể truyền – nhận được máu, chúng ta có nhiều phương pháp kiểm tra nhóm máu. Bên cạnh những nhóm máu thông thường như A,B,AB,O, chúng ta còn có những nhóm máu hiếm với tỉ lệ người có nhóm máu này cực thấp. Vì vậy, trong ngân hàng máu dự trữ luôn cần những người có nhóm máu hiếm, đến hiến máu để giúp đỡ những người có trường hợp nguy cấp. Dưới đây là danh sách các nhóm máu hiếm ít khi gặp phải.
Nhóm Rh-null
– Rh-null hay còn gọi là “nhóm máu vàng” là một nhóm máu hiếm được đặc trưng bởi sự không biểu hiện của tất cả các kháng nguyên Rh (D, C, c, E và e) trên màng hồng cầu. Nhóm máu này thiếu hoàn toàn kháng nguyên Rh có nghĩa là nó có thể truyền máu cho bất kỳ ai có nhóm máu hiếm trong hệ thống Rh. Tiềm năng cứu sống người từ nhóm máu vàng rất lớn.
– Người có nhóm máu Rh-null chỉ có thể nhận máu của người có cùng nhóm máu Rh-null với mình. Nếu nhận máu từ những người có Rh+ hay có một trong số các kháng nguyên mà họ thiếu, cơ thể của những người có nhóm máu vàng sẽ phản ứng với tế bào máu tiếp nhận, tạo phản ứng miễn dịch dẫn tới tử vong
Các nhóm máu hiếm gặp
Ngoài hai hệ nhóm máu có vai trò rất quan trọng trong truyền máu là ABO và Rh, người ta còn phát hiện hàng chục hệ nhóm máu hiếm khác, mỗi hệ lại có rất nhiều kháng nguyên khác nhau.
Nhóm máu Kell
– Nhóm máu Kell được phát hiện vào năm 1946, được đặt tên theo Kelleher – một bệnh nhân có kháng thể kháng Kell đã gây tan máu cho đứa con mới sinh của mình (hồng cầu của đứa trẻ biểu hiện kháng nguyên K được kết hợp kháng thể kháng K trong huyết thanh của mẹ).
– Nhóm máu Kell rất phức tạp và chứa nhiều kháng nguyên có khả năng sinh miễn dịch cao, tổng cộng 25 kháng nguyên Kell đã được phát hiện và có tỷ lệ khác nhau tùy theo quần thể, trong đó kháng nguyên K gốc vẫn quan trọng nhất.
– Những kháng nguyên thuộc nhóm máu Kell mạnh thứ ba sau kháng nguyên của nhóm máu ABO và Rh khi kích hoạt phản ứng miễn dịch, gây phản ứng rất mạnh với hồng cầu có kháng nguyên K dẫn đến hậu quả là tan máu. Ngoài ra kháng thể miễn dịch chống K còn là nguyên nhân gây tan máu trẻ sơ sinh do bất đồng nhóm máu mẹ con.
Nhóm máu Duffy
– Duffy glycoprotein là một thụ thể cho các chất tiết ra trong quá trình viêm. Đây cũng là một thụ thể của Plasmodium vivax – một loại ký sinh trùng xâm nhập vào các tế bào hồng cầu và gây ra bệnh sốt rét. Các hồng cầu thiếu kháng nguyên Duffy có khả năng chống lại sự xâm nhập của P. vivax tương đối. Điều này đã ảnh hưởng đến sự thay đổi trong nhóm máu hiếm Duffy được thấy ở những nơi có bệnh sốt rét lưu hành phổ biến.
– Hai kháng nguyên cơ bản của hệ thống Duffy là Fya và Fyb, đây là hai kháng nguyên do hai alen Fya và Fyb đồng trội tạo nên. Kháng thể chống Fya và chống Fyb có thể là nguyên nhân gây tai biến truyền máu và tan máu trẻ sơ sinh.
Nhóm máu Kidd
– Kidd (JK) glycoprotein là chất vận chuyển urê của tế bào hồng cầu, có chức năng vận chuyển urê ra vào hồng cầu, giúp duy trì áp suất thẩm thấu và hình dạng của hồng cầu. Kidd glycoprotein cũng có mặt tại các tế bào ống thận, giúp duy trì nồng độ ure cao để tham gia quá trình cô đặc nước tiểu. Những người không sản xuất Kidd glycoprotein thường không thể cô đặc tối đa nước tiểu, nhưng họ vẫn khỏe mạnh và các tế bào hồng cầu của họ có hình dạng và tuổi thọ bình thường.
– Nhóm máu Kidd gồm hai kháng nguyên chính là JKa và JKb do hai alen JKa và JKb đồng trội quyết định. Khả năng miễn dịch của JKa và JKb thấp, nhất là JKb. Các kháng thể nhắm vào kháng nguyên Kidd là nguyên nhân đáng kể của phản ứng truyền máu tan máu chậm. Kháng thể Anti-Kidd cũng là một nguyên nhân gây ra bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh, mức độ bệnh khác nhau nhưng có xu hướng nhẹ về bản chất.
Nhóm máu Diego
– Các kháng nguyên của nhóm máu Diego xuất hiện trên một protein, protein này là chất trao đổi Cl/HCO3 trên màng hồng cầu để tham gia vào quá trình vận chuyện CO2 từ máu đến phổi,và cũng được tìm thấy trong thận để tham gia vào quá trình bài tiết H+.
– Nhiều đột biến trong gen mã hóa các kháng nguyên Diego, SLC4A1, đã được biết đến, những đột biến này có thể gây nên hồng cầu có hình dạng bất thường (bệnh hồng cầu hình bầu dục di truyền, bệnh hồng cầu hình cầu di truyền) và bất thường ở tế bào ống thận. Các đột biến SLC4A1 khác không làm phát sinh bệnh có thể tạo ra các kháng nguyên nhóm máu hiếmmới thuộc nhóm máu Diego.
– Nhóm máu Diego được phát hiện vào năm 1955 và được đặt tên cho bệnh nhân đầu tiên được phát hiện là tạo ra kháng thể chống lại các kháng nguyên của hệ thống máu mới sau khi sinh đứa con bị hội chứng tan máu bẩm sinh.
Nhóm máu MNS
– Sau khi phát hiện ra nhóm máu đầu tiên là ABO, năm 1900, Landsteiner và các đồng nghiệp của ông tiếp tục nghiên cứu để xác định các nhóm máu hiếm khác.
– MNS là nhóm máu thứ hai, được phát hiện vào năm 1927, sau khi gây miễn dịch cho thỏ với hồng cầu của người. Các kháng nguyên M và N đã được xác định đầu tiên, nhưng phải 20 năm nữa các kháng nguyên S và s mới được đặt tên. Hiện nay, hơn 40 loại kháng nguyên đã được biết đến trong nhóm máu hiếm này, nhưng kháng nguyên M, N, S và s vẫn là loại phổ biến nhất.
– Các kháng nguyên của nhóm máu MNS được biểu hiện trên một loại protein có chức năng vận chuyển đường được gọi là glycophorins. Chúng nằm trên màng tế bào hồng cầu, một đầu của glycophorin được gắn vào tế bào và đầu kia mang đường và đồng thời có vai trò xác định nhóm máu MNS của một người.
Một số hệ nhóm máu hiếm khác
– Hệ Levvis, Dombrock, Lutheran, p, Li… và nhiều hệ khác nằm trong nhóm máu hiếm, có thể gây tai biến truyền máu và bất đồng nhóm máu mẹ con gây tan máu bẩm sinh ở trẻ dù cũng rất hiếm gặp